Đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp địa ốc

Trong buổi làm việc sáng 22-2, UBND TP.HCM và các sở ban ngành đã lắng nghe các vướng mắc còn tồn đọng của các doanh nghiệp BĐS. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói “Hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn. Với tư cách là lãnh đạo thành phố, chúng tôi đã lắng nghe và muốn đồng hành, tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng trong thực tế đã có sự trì trệ trong thực thi pháp luật ở các sở, ngành”,
Chủ trương chung của UBND TP.HCM là các sở ngành nhanh chóng đề xuất giải pháp giúp các Doanh nghiệp (DN) sớm ổn định tình hình kinh doanh, tiếp tục đóng góp vào “Chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị” của Thành phố.
Chủ tịch UBND TP cho biết TP sẽ tập trung mạnh vào phát triển các DN đầu ngành, nâng cao sức cạnh tranh của TP. Có một thực tế và cũng là nỗi trăn trở của TP thời gian qua là các DN BĐS gặp nhiều khó khăn. “Các sở ngành phải thấy được rằng sự vất vả, khó khăn của DN BĐS là sự vất vả của TP. DN có phát triển được thì đó là sự thành công của TP. Theo đó, DN gặp khó khăn sở ban ngành phải chia sẻ, gặp khó khăn không nên càng tạo khó khăn hơn. Với tư cách là phục vụ DN, phục vụ nhân dân, tôi đề nghị các sở ban ngành phải có giải pháp quyết liệt hơn trên cơ sở làm đúng quy định của pháp luật”, ông Phong nhấn mạnh.
Thời gian qua, rất nhiều kiến nghị đã được Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng như các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực BĐS đã gửi đến cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ban ngành, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng mắc pháp lý.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho hay: “Hiệp hội nhận thấy thị trường bất động sản thành phố hiện nay rơi vào tình thế khó khăn chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật…”.
Đại diện Tập đoàn Novaland, một trong các doanh nghiệp BĐS tên tuổi hoạt động tại phía Nam cho biết với sự lắng nghe, nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp của lãnh đạo các cấp UBND TP.HCM và Sở ban ngành nên trong những tháng gần đây đã dần tháo gỡ các vướng mắc tại một số dự án.
Có thể kể đến như: dự án khu chung cư Cô Giang tại số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1 đã được UBND TP.HCM giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng; dự án trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 đã được UBND TP.HCM – Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt giá tiền sử dụng đất của dự án;
Hay như: dự án khu cao ốc căn hộ thương mại tại phường Thảo Điền, quận 2 và dự án cao ốc thương mại và căn hộ tại số 1W Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh đã được Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân;
Dự án khu chung cư cao tầng tại số 67 Mai Chí Thọ, phường An Phú, quận 2 và 07 dự án tại khu vực quận Phú Nhuận cũng đang được Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở ngành xem xét định giá tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân…
Nguyên nhân do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở đất đai chưa phù hợp, các dự án đang bị rà soát thủ tục pháp lý, chưa liên thông, chưa đồng bộ, đã gây khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp. Từ đó, dẫn đến thất thu cho doanh nghiệp, giảm nguồn thu cho ngân sách. Theo đó, những vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, tiếp tục khiến doanh nghiệp thất thu và làm giảm nguồn thu ngân sách.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho hay thành phố sẽ thảo luận thống nhất và thông báo cho doanh nghiệp biết cơ quan làm đầu mối tiếp nhận các thông tin phản ảnh các vướng mắc, khó khăn của DN.
>> xem thêm: